Tiệm Zen Nails ở Brentwood, Tennessee, đã trở thành một xưởng nhỏ sản xuất khẩu trang và áo bảo hộ cho các bệnh viện tại địa phương. (Ảnh: Trang Nguyen)
Trước khi đóng cửa tiệm làm móng Top Nails 2 của mình ở Mobile, Alabama (Mỹ) để phòng chống đại dịch COVID-19, anh Huy Nguyen đã quyên góp tất cả các đồ dùng bảo hộ tích được trong kho – vài trăm chiếc khẩu trang cùng tám hộp găng tay.
Huy Nguyen không phải là người duy nhất có hành động này. Được thúc đẩy bởi một đề nghị trên Facebook từ một dược sỹ người Việt Nam tại địa phương, hàng chục người Việt sở hữu các tiệm làm đẹp ở Mobile đã chung tay đóng góp hơn 134.000 chiếc găng tay và 23.000 chiếc khẩu trang cho một bệnh viện ở địa phương.
Anh Huy Nguyen sau đó còn kêu gọi bạn bè là chủ các tiệm làm đẹp ở các thành phố khác trên toàn nước Mỹ và khuyến khích họ làm điều tương tự.
“Chiến đấu với virus là trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta,” anh chia sẻ với NBC Asian America. “Chúng tôi không làm trong ngành y, vì thế chúng tôi không thể trực tiếp chiến đấu với virus, nhưng chúng tôi muốn chia sẻ trách nhiệm và chia sẻ những gì chúng tôi có với cộng đồng.”
Trong bối cảnh các nhân viên chăm sóc sức khỏe đang thiếu hụt các thiết bị bảo hộ cá nhân, những người Việt Nam là chủ của các tiệm làm móng trên khắp nước Mỹ – những người thống trị ngành công nghiệp làm móng trị giá nhiều tỷ USD tại quốc gia này, đang quyên tặng khẩu trang và găng tay – những vật dụng vệ sinh cần thiết trong mọi cửa tiệm – cho các bệnh viện trong cộng đồng của họ.
Giống như anh Huy Nguyen, Lisa Nguyen và cha mẹ của cô, những người sở hữu tiệm Cowboys Nail Bar ở Plano, Texas, đã quyết định quyên góp tất cả những gì họ tích trữ được – bao gồm 14 hộp khẩu trang N95 – cho những người thân đang làm việc tại Trung tâm Y tế Tây Nam thuộc Đại học Texas sau khi biết các bác sĩ và y tá ở đây đang thiếu những đồ dùng này.
“Chúng tôi hy vọng rằng những gì chúng tôi có sẽ giúp được không chỉ người thân của chúng tôi mà cả đồng nghiệp của họ,” Lisa Nguyen chia sẻ.
Ở Brentwood, Tennessee, những người chủ của Zen Nails thậm chí còn đẩy mạnh những nỗ lực của họ thêm một nấc.
Khẩu trang ủng hộ cho các bệnh viện.
Họ không chỉ quyên góp đồ dùng, mà còn biến tiệm làm móng của mình thành một nhà xưởng nhỏ để sản xuất khẩu trang và áo bảo hộ.
Những chiếc máy may giờ thế chỗ các lọ sơn móng trên mỗi chiếc bàn, và mỗi ngày, các nhân viên của tiệm lại tình nguyện bỏ ra 9 tiếng đồng hồ để làm các món đồ bảo hộ cá nhân cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe tại địa phương.
Trang Nguyen, một trong số chủ tiệm, từng làm y tá trực đêm cách đây vài năm, và cô vẫn giữ quan hệ thân thiết với nhiều y tá.
“Khi thấy nhiều người nói rằng họ thực sự đang rất thiếu đồ bảo hộ, tôi rất muốn giúp đỡ họ,” cô nói. “Họ cần được bảo vệ trước khi có thể chăm sóc cho các bệnh nhân. Tôi nghĩ chúng tôi có thể may khẩu trang và áo bảo hộ, vì cả nhà tôi đều biết may vá”.
Trang Nguyen đã đóng cửa tiệm Zen Nails một tuần trước khi thống đốc bang ra lệnh đóng cửa tất cả các cơ sở kinh doanh không thiết yếu vào hôm 2/4.
Sau khi vệ sinh kỹ càng, các nhân viên đã quay lại làm việc. Những khách hàng quen của tiệm đã tặng máy may và tiền để mua nguyên vật liệu cho việc sản xuất đồ bảo hộ cá nhân.
Trong tuần đầu tiên, họ đã sản xuất được hơn 3.000 chiếc khẩu trang và áo bảo hộ, cả loại dùng một lần lẫn dùng nhiều lần.
Số hàng này đã được quyên tặng cho ba bệnh viện ở địa phương là St. Thomas Medical Partners, Williamson Medical Center và HCA Healthcare.
Theo Trang Nguyen, một số vật liệu, chẳng hạn như polypropylene và các dải nhựa, đang ngày càng trở nên khó tìm hơn, nhưng cô hy vọng vẫn có thể tiếp tục việc sản xuất này.
“Chúng tôi muốn đóng góp cho đất nước và cho cộng đồng của mình,” cô nói.
Rosalind Chow, phó giáo sư lý thuyết hành vi tổ chức của Đại học Carnegie Mellon cho biết hiệu ứng mạng lưới này có thể khuếch đại các hành động từ thiện.
“Mọi người chủ yếu biết những người giống như họ,” bà nói. “Đó là lý do vì sao khi một chủ tiệm làm móng bắt tay vào làm một điều gì đó, nhiều chủ tiệm khác sẽ có xu hướng tham gia vào đó.”
“Những chủ doanh nghiệp và những nhân viên tình nguyện làm công việc này và đóng góp các nguồn lực của họ mà không cần biết có được trả công hay không – đó chính là bằng chứng xác thực cho mong muốn được giúp đỡ của họ,” phó giáo sư Chow nhận định./.
Nguồn: TTXVN
- Xưởng Nội Thất Đạt Phát
- Liên hệ:KTS Mr Hiếu 0908 337963
- Zalo(Phone): 0938986801
- Email: hieusofa1972@gmail.com
- Website: KHUYẾN MÃI NAIL SPA
- Website: DỊCH VỤ SOFA
- Website: DỊCH VỤ KARAOKE